Bệnh tắc ruột là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Tắc ruột là một bệnh không thường gặp nhưng mức độ nguy hiểm chỉ sau viêm ruột thừa cấp. Nắm rõ nguyên nhân, triệu chứng và hướng điều trị sẽ giúp người bệnh chủ động hơn khi đối phó với căn bệnh này.

Ruột là một bộ phận vô cùng quan trọng đối với hoạt động của cơ thể, bệnh tắc ruột đã khiến cho cuộc sống của nhiều người lâm vào cảnh bế tắc. Vì vậy, hiểu biết về căn bệnh này chưa bao giờ là một điều dư thừa.

I. Bệnh tắc ruột là gì?

Ruột người bao gồm ruột non (tá tràng, hồi tràng, hỗng tràng) và ruột già (đại tràng). Tắc ruột là thuật ngữ y khoa nói đến tình trạng tắc nghẽn một phần hay toàn bộ ruột gây cản khí, chất lỏng, chất rắn từ trên di chuyển xuống bên dưới.

bệnh tắc ruột
Tắc ruột là tình trạng tắc nghẽn một phần hay toàn bộ ruột.

Tắc ruột là bệnh khá phổ biến, có thể ảnh hưởng đến nhiều lứa tuổi, đối tượng, đặc biệt là những người lớn tuổi. Mặc dù là một hiện tượng đáng lo ngại, song không có nhiều người ý thức được thức ăn đang bị ứ đọng mà vẫn ăn khiến cho thức ăn liên tục đẩy bị đẩy qua khu vực tắc. Tắc ruột nếu không sớm điều trị, bệnh có thể gây thủng ruột, hoại tử ruột, viêm phúc mạc, thậm chí là tử vong.

II. Nguyên nhân gây tắc ruột thường gặp

Nắm rõ nguyên nhân tắc ruột sẽ giúp bạn kiểm soát được bệnh một cách hiệu quả. Cụ thể như sau:

nguyên nhân gây tắc ruột
Nắm nguyên nhân gây tắc ruột giúp phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả.

1. Tắc ruột cơ học

# Nguyên nhân ở lòng ruột, ruột non:

  • Giun đũa kết dính ở ruột (thường gặp ở đối tượng trẻ em, người sinh sống vùng nông thôn, người có thói quen ăn uống kém vệ sinh).
  • Bã thức ăn (măng, xơ mít, sim…) ứ đọng ở ruột (thường gặp ở người già, người bị suy tụy hay đối tượng đã từng thực hiện phẫu thuật cắt bỏ dạ dày.
  • Sỏi túi mật gây viêm, thủng tá tràng và di chuyển xuống ruột, gây hiện tượng tắc ruột.

# Nguyên nhân gây tắc ở đại tràng:

  • U ở ruột hoặc phân người già bị táo bón ứ đọng là nguyên nhân gây tắc ruột.

# Nguyên nhân ở thành ruột:

  • Có khối u ở ruột non và đại tràng. Trong đó, ung thư đại tràng là nguyên nhân gây tắc ruột phổ biến nhất.
  • Hẹp thành ruột do viêm nhiễm hoặc sẹo xơ: bệnh Crohn ruột, viêm ruột sau đợt xạ trị, hẹp ruột sau chấn thương, hẹp miệng nối ruột,…
  • Lồng ruột (hiện tượng đoạn ruột phía trên chui vào đoạn ruột phía bên dưới, thường bắt gặp chủ yếu ở trẻ em còn đang bú sữa mẹ, hiếm gặp phải ở người lớn.
  • Xoắn ruột (hiện tượng quai ruột bị xoắn lên trên trục mạc treo của nó).

# Nguyên nhân ngoài thành ruột

  • Thoát vị thành bụng (thoát vị rốn, thoát vị đùi, thoát vị bẹn…) và thoát vị nội (thoát vi khe Winslow, thoát vị Treitz,…) có thể khiến cho ruột bị nghẹt khi chui vào các khe lỗ, gây tắc ruột.

2. Tắc ruột do liệt ruột

Tắc ruột do liệt ruột chiếm 5 – 10 % các trường hợp. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu máu cấp tính, huyết khối tĩnh mạch mạc treo làm liệt nhu động ở đoạn ruột tương ứng.

3. Nguyên nhân khác

Một số nguyên nhân phổ biến khác có thể gây tắc ruột gồm có:

  • Rối loạn chuyển hóa kali, canxi trong máu.
  • Tác dụng phụ của dẫn chất của thuốc phiện, thuốc kháng cholinergic…
  • Tổn thương ruột trong một số bệnh toàn thân như thiểu năng tuyến giáp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa porfirin…

III. Dấu hiệu nhận biết bệnh tắc ruột

Tắc ruột không khó để nhận biết nếu bạn nắm rõ các dấu hiệu sau:

triệu chứng tắc ruột
Triệu chứng bệnh tắc ruột khá dữ dội và rõ ràng, không khó để nhận biết.

1. Đau bụng

Đau là triệu chứng đầu tiên nhận biết chứng tắc ruột. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, đau dữ dội trong vòng 2- 3 phút, sau đó giảm dần rồi lại tái xuất hiện. Ban đầu, cơn đau chỉ khu trú quanh bụng, sau lan tỏa đều toàn bụng.

2. Nôn

Không phải bệnh nhân bị tắc ruột nào cũng xuất hiện triệu chứng nôn. Nôn thường đi kèm với cơn đau bụng. Ban đầu, người bệnh nôn thức ăn. Về sau, người bệnh nôn dịch tiêu hóa, dịch mật.

3. Bí trung, đại tiện

Đây là dấu hiệu cảnh báo ruột ngưng trệ, chứng tắc ruột đã trở nên nghiêm trọng. So với các triệu chứng vừa liệt kê bên trên, bí trung đại tiện xảy ra muộn hơn vì trong những giờ đầu, ruột còn phải co bóp để đẩy hơi và phân ở đoạn bị tắc ra, đến khi hết hẳn hơi, các chất trên chỗ tắc không xuống được nữa, người bệnh mới bí trung tiện, đại tiện.

4. Bụng căng trướng

Ở những người gầy, thành bụng mỏng có thể thấy quai ruột nổi lên trên thành bụng. Chiếu ánh sáng lên bề mặt bụng, có thể nhìn thấy được sóng nhu động nổi cộm và di chuyển chậm chạp như rắn bò. Y học gọi hiện tượng trên là “hiện tượng rắn bò”, thường bắt gặp trong tắc ruột cơ giới.

5. Triệu chứng toàn thân:

Mới đầu, toàn thân người bệnh vẫn ở trong trạng thái bình thường. Tuy nhiên, khi tắc ruột chuyển sang giai đoạn nặng, người bệnh sẽ xuất hiện một số biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm độc, nếu để lâu ruột có thể bị hoại tử gây viêm màng bụng.

Trường hợp này, người bệnh cần theo dõi để có biện pháp xử lý và khắc phục sớm. Nếu bệnh được chẩn đoán và điều trị trong vòng 24 giờ đầu tiên sẽ mau khỏi. Còn nếu chủ quan, chần chừ, sau vài ngày mới xử lý, khả năng ruột phục hồi rất thấp, người bệnh có thể bị sốc nặng do mất máu, hơn nữa, độc tố hấp thu qua thành ruột có thể gây hoại tử ruột, viêm màng bụng, tăng nguy cơ tử vong.

IV. Cách điều trị bệnh tắc ruột hiệu quả

Tắc ruột hoàn toàn có thể được khắc phục nếu như phát hiện hiện sớm và điều trị đúng phương pháp.

  • Điều đầu tiên cần làm khi điều trị tắc ruột đó là làm xẹp ruột bằng cách hút ống tiêu hóa, truyền dịch để cân bằng nước và muối khoáng. Phẫu thuật chỉ được tiến hành khi thể trạng bệnh nhân khá hơn.
  • Riêng với trường hợp nghẹt ruột, cần tiến hành hồi sức nhanh, vừa hút vừa truyền dịch để tránh tình trạng ruột bị tổn thương không phục hồi được. Nếu ruột bị tắc nghẽn hoàn toàn, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật loại bỏ phần ruột bị hư hỏng.
  • Trong những trường hợp bị tắc ruột cơ học khác, người bệnh cần được phục hồi trước khi phẫu thuật, thời gian kéo dài từ 3 – 4 giờ, không được để quá lâu.

Lời khuyên của chuyên gia:

Trong quá trình trước vá sau khi điều trị tắc ruột, cần lưu ý một số điều trong ăn uống và sinh hoạt như sau:

  • Chế độ ăn uống ít chất xơ: Thực đơn ăn uống hằng ngày nên hạn chế những loại thực phẩm giàu chất xơ nhằm thu nhỏ kích thướt khối phân, khiến chúng dễ dàng di chuyển hơn.
  • Ngừng sử dụng thuốc gây tắc ruột: Nếu thuốc là một trong những nguyên nhân khiến ruột bị tắt, người bệnh nên yêu cầu bác sĩ kê loại thuốc điều trị khác ít gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa. Một số loại thuốc tăng nhu động ruột cũng khá hữu ích trong trường hợp này.
  • Uống đủ nước: Uống đủ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày. Kết hợp uống với tập luyện thể dục, thể thao để kích thích hoạt động co bóp của ruột, tránh tình trạng tắc ruột.

Trên đây là một số thông tin khái quát về bệnh tắc ruột. Khi phát hiện những biểu hiện bất thường, bệnh nhân nên nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm, tránh chủ quan, chần chừ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Nhi Nguyễn. 

Một số thông tin bạn cần biết:

 

Đánh giá bài viết

Ngày đăng: 30/09/2021 - Cập nhật lúc: 4:27 PM , 30/09/2021

Ẩn

Trung Tâm Thuốc Dân Tộc - Địa Chỉ HÀNG ĐẦU Chữa Bệnh Tiêu Hoá Tốt Nhất

Xem ngay