Nếu có ai đó hỏi bạn rằng: “dạ dày nằm ở đâu trong cơ thể” thì liệu bạn có thể trả lời ngay lập tức không? Những kiến thức về dạ dày sẽ giúp chúng ta thấu hiểu và bảo vệ cơ quan này hiệu quả hơn rất nhiều.
Cơ thể của con người là sự kết hợp vô cùng phức tạp và những hoạt động miệt mài của các hệ cơ quan. Vậy, ngoài việc có thể kể tên ra thì bạn hiểu gì về dạ dày – một trong những cơ quan quan trọng nhất của hệ tiêu hóa? Mỗi ngày, dạ dày (chúng ta thường quen gọi bằng cái tên “bao tử”) phải thực hiện cùng lúc nhiều chức năng và là một trong những bộ phận dễ bị tổn thương nhất trong cơ thể.
Dạ dày và tất cả những điều bạn cần biết về dạ dày
Ở một số loại động vật thì dạ dày được phân ra thành nhiều loại như dạ dày đơn (ngựa, chó, mèo…), dạ dày kép (trâu, dê…), dạ dày trung gian (lợn). Nhưng chuyện lại đơn giản hơn ở thế giới con người, vì tất cả chúng ta đều sở hữu một chiếc dạ dày có cùng chung hình dạng và cấu tạo, trừ một số trường hợp bị dị tật dạ dày bẩm sinh. Và để có thể sở hữu một cơ thể khỏe mạnh nhất, bạn cần biết về những điều cơ bản sau về dạ dày:
1/ Dạ dày nằm ở đâu trong cơ thể của con người?
Dạ dày là một phần rất quan trọng của bộ máy tiêu hóa và cũng là cơ quan có khả năng phình to nhất trong cơ thể, với sức chứa lên tới 4 – 4.5 lít. Về hình dạng, dạ dày của chúng ta có hình dạng khá giống với kí tự “J” trong bảng chữ cái Latin. Về vị trí, chúng ta hoàn toàn có thể xác định được dạ dày bằng cách đặt bàn tay ở giữa bụng, trên rốn và dưới thượng vị một chút. Tương đương với vị trí này trong cơ thể là ở giữa thực quản và ruột non. Dạ dày nối 2 bộ phận này bởi tâm vị và ống môn vị, cả 2 ống đều có van đóng mở để ngăn các cơ quan lại với nhau.
2/ Cấu tạo của dạ dày (từ trên xuống dưới và từ ngoài vào trong)
Sau các công trình nghiên cứu về giải phẫu dạ dày, giới y học đã xác định được dạ dày của con người được chia thành các phần từ trên xuống dưới, tính từ thực quản như sau:
- Tâm vị: Dạ dày được nối với thực quản nhờ bộ phận này, cấu tạo của bộ phận này chỉ tương đương như một lớp niêm mạc.
- Đáy vị: Thường chỉ có chứa không khí.
- Thân vị: Đây là nơi chứa các tuyến tiết ra HCI và Pepsinogene và cũng là bộ phận chiếm phần lớn diện tích của dạ dày.
- Môn vị: Nối với ruột non, ở lỗ môn vị có một cơ thắt được gọi là cơ thắt môn vị.
Bên cạnh đó, dạ dày của một cơ thể con người khỏe mạnh sẽ được sắp xếp thành 5 lớp từ ngoài vào trong theo thứ tự như sau:
- Lớp thanh mạc: Đây là lớp phúc mạng tạng có chức năng bao bọc dạ dày như một lớp da mỏng.
- Tấm dưới thanh mạc: Từ chuyên môn để chỉ một lớp cơ có 3 lớp là cơ dọc, cơ vòng và cơ chéo.
- Các cơ dạ dày: Còn được gọi là cơ tạng, những cơ này được sắp xếp theo nhiều hướng khác nhau để giúp tăng hiệu quả co bóp và nghiền nát thức ăn.
- Tấm dưới niêm mạc: Đây là lớp niêm mạc chứa các tuyến dạ dày, bao gồm nhiều loại và tiết ra các chất bảo vệ dạ dày và thực hiện quá trình tiêu hóa.
- Lớp niêm mạc dạ dày: Niêm mạc nằm ở phía trong cùng của dạ dày, tiếp xúc trực tiếp với những gì chúng ta đưa vào bằng đường miệng. Vai trò của lớp niêm mạc này là bảo vệ dạ dày và điều hòa nội tiết hóa học trung gian.
3/ Chức năng của dạ dày
Bên cạnh nhiệm vụ dự trữ thức ăn, dạ dày của chúng ta mỗi ngày phải làm việc rất chăm chỉ để thực hiện 2 chức năng chính rất quan trọng. Đó là chức năng nghiền và phân hủy thức ăn. Quá trình đó diễn biến như sau:
- Thức ăn sau khi được cơ hàm và răng nghiền nhỏ thì sẽ đi theo thực quản và xuống dạ dày. Bạn cũng cần biết là trong quá trình chúng ta nhai thì thức ăn cũng đã được phân hủy một phần nhỏ nhờ các men có trong nước bọt. Do đó chúng tôi luôn khuyên bạn nhai thật kỹ trước khi nuốt là để giảm áp lực lên dạ dày, bởi tại dạ dày, thức ăn sẽ được nghiền nát một lần nữa, nghiền cho đến khi trở thành chất dịch sệt.
- Sau quá trình nghiền nát, thức ăn sẽ được nghỉ một chút rồi nhào trộn cùng với dịch vị có sẵn trong dạ dày. Lúc này, bạn sẽ không còn nhận ra những gì mình ăn vào nữa vì tất cả đã được phân hủy. Hỗn hợp thức ăn sẽ được đưa xuống ruột non ngay sau đó. Vậy là dạ dày của chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ.
4/ Nhận biết bệnh đau dạ dày
Trên thực tế, dạ dày là một trong những cơ quan nội tạng dễ bị tổn thương nhất, biểu hiện đầu tiên là bệnh đau dạ dày. Đau dạ dày xuất hiện ở hầu hết mọi lứa tuổi, giới tính. Dựa vào vị trí đau, chúng ta có thể biết được dạ dày có gặp vấn đề hay không. Nếu cơn đau quặn từng cơn xuất hiện rõ ràng ở vùng thượng vị, hoặc đôi khi cách xa mũi ức lệch về hai phía trái phải, kèm theo đó là cảm giác bỏng rát ở trên rốn thì trên 80% là bạn đã bị đau dạ dày. Cần đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những hậu quả khó lường.
5/ Làm thế nào để phòng ngừa bệnh đau dạ dày?
Sau khi đã xác định được dạ dày nằm ở đâu trong cơ thể mình cũng như tầm quan trọng của cơ quan này, bạn hãy thực hiện theo những biện pháp sau đây để có thể bảo vệ dạ dày một cách tốt nhất:
- Tập cho mình thói quen ăn vừa đủ, không để cho bụng đói hoặc ăn quá no sẽ khiến cho dạ dày làm việc không ổn định, dẫn tới đau dạ dày cấp tính.
- Nhai kĩ và tập trung khi ăn là một trong những điều cần thiết để thức ăn được tiêu hóa tốt hơn và giảm thiểu những tổn thương ở dạ dày.
- Hãy luôn ghi nhớ những cái “không” sau đây: không ăn quá no trước khi đi ngủ, không uống trà và cafe khi đói, không hút thuốc lá, không để tâm trạng căng thẳng, không ăn nhiều món ăn có gia vị cay nóng. Tất cả những kiêng cử đó sẽ giúp cho bạn luôn có một chiếc dạ dày khỏe mạnh.
- Lưu ý duy trì cân nặng ở mức hợp lí, tránh để cân nặng lên xuống đột ngột.
→ Hi vọng một số thông tin về việc dạ dày nằm ở đâu trong cơ thể cùng với cấu tạo, chức năng, hoạt động của dạ dày và một số thông tin của bệnh đau dạ dày sẽ giúp bạn thấu hiểu về bộ phận quan trọng này. Chúc bạn luôn có một chiếc dạ dày khỏe mạnh!
Minh Mẫn.
Một số thông tin hữu ích dành cho bạn:
Ngày đăng: 27/09/2021 - Cập nhật lúc: 11:48 PM , 28/09/2021