Hiện tượng đi ngoài lúc táo, lúc lỏng là bị bệnh gì?

Đi ngoài lúc táo, lúc lỏng là triệu chứng khá điển hình của một số bệnh lý thuộc về đường tiêu hóa. Cùng bác sĩ của benhduongtieuhoa.com tìm hiểu về tên và dấu hiệu riêng của những căn bệnh này ngay sau đây.  

Đi ngoài (đại tiện) là một trong chức năng của đường ruột, giúp cơ thể loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Việc đi ngoài được xem là bình thường khi chất lượng phân tốt và diễn ra mỗi ngày 1 lần, đôi khi là 2 lần nếu quá trình trao đổi chất nhanh hơn. Như vậy có nghĩa là số lần và tình trạng phân sẽ quyết định bạn có đang gặp phải vấn đề gì về đường tiêu hóa hay không. Trong trường hợp phân lúc táo lúc lỏng, bạn cần phải xem lại sức khỏe của mình.

đi ngoài lúc táo lúc lỏng là bệnh gì
Bạn có biết hiện tượng đi ngoài lúc táo, lúc lỏng là bệnh gì hay không?

Đi ngoài lúc táo, lúc lỏng là dấu hiệu của những bệnh gì?

Trao đổi với chuyên mục về vấn đề này, các bác sĩ đến từ bệnh viện Đại học Y dược cho biết: Tình trạng chất lượng phân không tốt, độ cứng không ổn định, không thành khuôn, xen lẫn táo bón và tiêu chảy là một trong những triệu chứng của một số bệnh về đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích…

1. Rối loạn tiêu hóa

Đây là một trong những căn bệnh phổ biến mà bất cứ ai cũng sẽ có thể gặp phải nhiều lần trong đời. Rối loạn tiêu hóa xảy ra khi có sự co thắt bất thường của các cơ vòng đại tràng, từ đó gây ra những xáo trộn trong việc đại tiện. Điển hình nhất là hiện tượng đi ngoài lúc táo, lúc lỏng. Nguyên nhân gây ra chứng bệnh này thường là do chúng ta sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài, chế độ ăn uống không đảm bảo vệ sinh, sức đề kháng yếu.

Đối tượng bị rối loạn tiêu hóa chủ yếu là trẻ em do hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt cũng như các cơ quan chưa được hoàn thiện. Trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa lâu ngày sẽ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng rất cao.

2. Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Hội chứng ruột kích thích (còn được gọi là bệnh viêm đại tràng co thắt), đây là một dạng rối loạn chức năng xảy ra ở đường tiêu hóa. Nhìn chung thì cách nhận biết hội chứng này không quá khó. Vì khi mắc bệnh, bạn sẽ bị cùng lúc các triệu chứng sau: đi ngoài lúc táo lúc lỏng, phân không thành khuôn, đau bụng, chuột rút cơ bụng, chướng hơi, ăn không tiêu và đặc biệt là mỗi khi bụng đau khi sờ vào sẽ thấy những cục cứng nổi lên.

Theo bs Trang Xuân Chi thì ở nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ người bị hội chứng ruột dễ bị kích thích là 10-20% và hầu hết là người ở độ tuổi trung niên. Riêng ở nước ta thì có khoảng 18% người bị IBS hàng năm, trong đó nữ giới dễ mắc bệnh hơn nam giới.

hội chứng ruột kích thích khiến đi ngoài lúc táo lúc lỏng
Đi ngoài lúc táo lúc lỏng do hội chứng ruột kích thích gây ra.

Để giảm bớt sự khó chịu của căn bệnh này, bệnh nhân cần tránh uống rượu bia, cà phê, tránh ăn các thức ăn chua cay và tăng lượng chất xơ hòa tan trong khẩu phần ăn hàng ngày. Đồng thời cần học cách kiểm soát căng thẳng trong cuộc sống, sắp xếp lại thời gian nghỉ ngơi và làm việc sao cho thật khoa học và uống thật nhiều nước để bù lại lượng nước bị thất thoát vì tiêu chảy cũng như làm mềm phân, hạn chế táo bón.

3. Viêm đại tràng

Được biết đến là một trong những bệnh lý thường gặp nhất ở đường tiêu hóa (chỉ sau đau dạ dày), viêm đại tràng cũng là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng đi ngoài lúc táo lúc lỏng, phân không thành khuôn. Những triệu chứng của bệnh có thể kể thêm như phân có lẫn máu (do niêm mạc đại tràng bị tổn thương gây xuất huyết), đau ẩm ỉ dọc theo khung đại tràng hoặc hai bên mạn sườn, đầy hơi, chướng bụng, ăn không tiêu, chán ăn, sốt cao.

May mắn cho chúng ta là các bác sĩ đã tìm ra được những nguyên nhân khiến đại tràng bị viêm, bao gồm nhiễm vi khuẩn, thiếu máu cục bộ, tác dụng phụ của xạ trị v.v…Điều trị viêm đại tràng sẽ được dựa trên kết quả chẩn đoán bệnh của bác sĩ, thông thường phải qua nội soi đại tràng. Người bệnh sẽ được dùng một số loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc điều hòa nhu động ruột để có thể giảm thiểu các triệu chứng. Trường hợp nặng sẽ phải tiến hành phẫu thuật đại tràng.

4. Ung thư đại tràng

Ung thư đại tràng là thuật ngữ dùng để chỉ các tổn thương ác tính xuất hiện ở lớp niêm mạc đại tràng, bắt đầu từ manh tràng kéo dài đến khu vực ranh giới nằm giữa đại tràng sigma và trực tràng. Theo thống kê thì đây là một trong những loại ung thư có tỷ lệ tử vong hàng đầu hiện nay. Và có đến 50% bệnh nhân bị ung thư trực tràng (phần ống phình to ở cuối đại tràng, nối với ruột non) do khối u ác tính phát triển từ đại tràng.

đi ngoài lúc táo lcú lỏng do ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng giai đoạn đầu sẽ có biểu hiện đi ngoài phân lúc cứng quá lúc lại lỏng quá.

Ở giai đoạn đầu của bệnh, các dấu hiệu như đi ngoài ra máu, phân đen mỏng và không thành khuôn, đại tiện lúc táo lúc lỏng, đau bụng kéo dài, sụt cân nhanh, đau quặn thắt ở khung đại tràng…sẽ khiến cho nhiều người nhầm lẫn với bệnh viêm đại tràng hoặc chứng rối loạn nhu động ruột. Cho đến khi khối u xâm lấn sang các bộ phận khác (gọi là di căn) thì bệnh nhân mới bắt đầu có thêm những biểu hiện đặc trưng hơn. Chẳng hạn, nếu ung thư đại tràng di căn thành ung thư gan thì bệnh nhân sẽ bị vàng da, nổi mẩn ngứa khắp người, chán ăn, đau gần xương ức v.v…

Nhờ sự tiến bộ vượt bậc của nền y học hiện đại, ung thư đại tràng đã có tỷ lệ sống sót cao hơn nếu bệnh nhân được phát hiện khối u sớm. Phương pháp giúp các bác sĩ làm được điều này là nội soi đại tràng.

Tham khảo thêm: Các bệnh viện nội soi đại tràng uy tín nhất hiện nay

→ Trong trường hợp hiện tượng đi ngoài lúc táo, lúc lỏng thỉnh thoảng mới xảy ra thì chúng ta có thể đến hiệu thuốc và tìm mua các loại thuốc chữa chứng đau bụng lạnh như Spasfon, Mebeverine hoặc thuốc giảm đi phân lỏng như Imodium, Loperamide, Berberin, Smecta và các thuốc chữa chứng rối loạn tiêu hóa gồm Cisaprid, Prepulsid…. Tuy nhiên, cần có sự cho phép của bác sĩ, tránh việc tự ý dùng thuốc vì sẽ gây ra những tác dụng phụ.

Có thể thấy, hiện tượng đi ngoài lúc táo, lúc lỏng nếu lặp đi lặp lại một cách thường xuyên thì rất có thể là những dấu hiệu đầu tiên của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Việc bạn cần làm lúc này là đến bệnh viện để các bác sĩ nhanh chóng xác định được bệnh gì đã khiến bạn khổ sở như vậy, để từ đó đưa ra hướng điều trị chính xác nhất.

Thủy Nguyễn.

Có thể bạn cũng muốn biết:

Đánh giá bài viết

Ngày đăng: 30/09/2021 - Cập nhật lúc: 4:27 PM , 30/09/2021

Ẩn