Quy trình nội soi trực tràng như thế nào?

Nội soi trực tràng sẽ được các bác sĩ tiến hành theo những bước nào? Đây là câu hỏi mà benhduongtieuhoa.com đã nhận được khá nhiều từ bạn đọc. Cũng chính vì vậy mà đây cũng là vấn đề sẽ được giải quyết trong kỳ này.

Nội soi trực tràng là một bước cực kỳ quan trọng trong việc phát hiện, chẩn đoán những vấn đề mà trực tràng đang gặp phải. Với sự phát triển vượt bậc của y học, nội soi trực tràng ngày càng trở nên đơn giản hơn, nhanh gọn hơn và an toàn hơn ngày trước rất nhiều. Thế nhưng phần lớn bệnh nhân vẫn còn khá lạ lẫm về việc nội soi.

Nội soi vùng trực tràng sẽ được tiến hành như thế nào? Đối tượng nào có thể áp dụng cách này và người bệnh cần lưu ý gì khi được nội soi? Tất cả thắc mắc sẽ được giải quyết tường tận trong bài viết dưới đây, dưới sự tư vấn chuyên môn của bác sĩ Vũ Phương Thanh (khoa Hậu môn – trực tràng, bệnh viện Đại học Y dược Tp.Hcm).

quá trình nội soi trực tràng
Nội soi trực tràng là một bước cần thiết để các bác sĩ có thể sớm chẩn đoán và trị bệnh.

I. Những đối tượng được chỉ định nội soi trực tràng

Thực tế thì không phải bệnh nhân bị viêm trực tràng nào cũng sẽ được các bác sĩ chỉ định và tiến hành nội soi trực tràng. Vậy nên nếu như khi đi khám, bạn được bác sĩ chỉ định thực hiện phương pháp này thì rất có thể bạn đang nằm trong những nhóm đối tượng sau:

  • Người đại tiện ra máu trên 2 lần/ngày và số lần có xu hướng tăng lên theo từng ngày.
  • Trong những lần đại tiện có hiện tượng phân lẫn nhiều chất nhầy và đàm nhớt.
  • Nhóm bệnh nhân mà các bác sĩ nghi ngờ bị trĩ nội và tệ hơn là có thể bị ung thư đại trực tràng.
  • Bác sĩ đã phát hiện ra những bất thường ở vị trí trực tràng, nhưng lại không thể xác định chính xác vị trí bị tổn thương trên phim chụp.
  • Một số bệnh nhân cần được nội soi khu vực trực tràng để có thể tìm ra tế bào ung thư hoặc để các bác sĩ có thể xác định nhanh chóng nguyên nhân gây ra các bệnh về đường tiêu hóa.
  • Nhóm đối tượng có tiền sử viêm loét trực tràng.

II. Nội soi trực tràng được thực hiện theo những bước nào?

Quy trình nội soi trực tràng sẽ được tiến hành theo 2 công đoạn chính: chuẩn bị và nội soi. Những bước này sẽ được thực hiện như nhau ở tất cả các bệnh viện uy tín. Hãy theo dõi để có một cái nhìn vừa bao quát vừa chi tiết về phương pháp hiện đại này, bạn nhé!

Bước chuẩn bị:

Trước hết, người bệnh sẽ được các y bác sĩ bơm một dung dịch xúc rửa ruột vào hậu môn. Dung dịch thường được dùng là Fleet Enema loại 133ml. Công đoạn đầu tiên này sẽ giúp cho các bác sĩ có thể thấy được hình ảnh nội soi rõ nét hơn.

Riêng đối với bệnh nhân đang bị táo bón thì liều lượng dung dịch sẽ được bơm nhiều hơn. Thường thì bệnh nhân táo bón sẽ được chỉ định bơm 2 lần, buổi sáng và tối trước ngày nội soi để ruột được sạch sẽ. Sau khi được bơm thuốc thì người bệnh sẽ có cảm giác muốn đi ngoài sau vài ba phút. Người bệnh sẽ đi vài lần cho đến khi phân tụ trong ruột già được đào thải ra hết hẳn.

các bước nội soi trực tràng
Bệnh nhân có thể sẽ cảm thấy khó chịu, đau bụng sau khi được nội soi vùng trực tràng.

Các bước nội soi trực tràng:

Sau khi ruột già đã được làm sạch ở bước chuẩn bị, người bệnh sẽ được các bác sĩ tiến hành nội soi trực tràng theo những công đoạn sau đây:

  • Trước tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra xem ở hậu môn của bệnh nhân có bất cứ tổn thương nào không. Vì nếu có tổn thương thì sẽ phải xử lý ngay, tránh tình trạng viêm nhiễm.
  • Sau khi kiểm tra, bác sĩ sẽ tiêm vào gần vùng hậu môn của bệnh nhân 1 liều thuốc gây tê. Mục đích của liều thuốc này là giảm đau và sự khó chịu cho người bệnh, đồng thời để quá trình nội soi được dễ dàng hơn, không bị chi phối bởi chuyển động của bệnh nhân.
  • Tiếp đến, người bệnh sẽ được yêu cầu nằm sấp trong tư thế áp ngực vào gối nhưng thường là nằm nghiêng hẳn về 1 bên.Tư thế nằm nghiêng sẽ thuận lợi hơn cho ống nội soi.
  • Bác sĩ sẽ từ từ đưa ống nội soi vào hậu môn của bệnh nhân, ống này sẽ đi vào sâu trong thành ruột già và khu vực trực tràng. Lúc này, nếu cảm thấy đau không chịu được thì người bệnh phải nói ngay cho bác sĩ biết.
  • Quá trình nội soi sẽ được thu hình ảnh trực tiếp và hiển thị rõ trên màn hình.
  • Một số trường hợp bệnh nhân quá căng thẳng hay sợ hãi, các bác sĩ sẽ có thể tiêm thuốc giãn cơ hoặc thuốc an thần. Tuy nhiên, quá trình nội soi thường chỉ kéo dài 5-10 phút nên hầu hết bệnh nhân sẽ chịu được.

Trên đây là quá trình nội soi trực tràng, bệnh nhân có thể từ đó mà không còn lo lắng nhiều nếu được bác sĩ chỉ định thực hiện phương pháp này. Thông thường, sau khi nội soi sẽ có cảm giác đau tức ở bụng và ở hậu môn khá khó chịu, kèm theo tình trạng chướng bụng và buồn nôn. Song, bạn sẽ mau chóng cảm thấy ổn hơn. Nếu tình trạng này kéo dài đồng thời là phân có máu thì người bệnh phải quay trở lại bệnh viện ngay để được bác sĩ thăm khám.

Lê Văn

Có thể bạn quan tâm:

Đánh giá bài viết

Ngày đăng: 30/09/2021 - Cập nhật lúc: 12:09 AM , 01/10/2021

Ẩn