Tình trạng trẻ bị đau bụng dưới rốn là dấu hiệu của những bệnh gì? Nhiều bậc làm cha mẹ vẫn còn khá mơ hồ trong vấn đề này, dẫn đến những quyết định sai lầm gây ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của trẻ.
Trẻ em là đối tượng dễ bị bệnh tật tấn công nhất, do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh. Trong đó, các bệnh về đường tiêu hóa có thể nói là phổ biến nhất. Không ít bé bị đau bụng dưới rốn một thời gian dài nhưng cha mẹ lại cứ nghĩ là bị lạnh bụng, không để ý đến. Cho đến khi trẻ đau không chịu nổi thì mới đưa đi bác sĩ thì mọi chuyện đã phức tạp hơn rất nhiều. Do đó, chúng ta cần hiểu rõ về những nguy cơ bệnh tật mà trẻ có thể gặp phải nếu bụng bị đau dưới rốn thường xuyên. Bác sĩ Phạm Thị Thoa (bệnh viện Nhi Đồng 2, Tp.HCM) sẽ giải đáp vấn đề này ngay sau đây.
I- Những bệnh nào khiến cho trẻ bị đau bụng dưới rốn?
Như chúng tôi đã nói ở trên, những cơn đau bụng ở trẻ em không phải là chuyện hiếm gặp. Sẽ không có vấn đề gì nếu trẻ chỉ bị đau một chút rồi thôi, nhưng nếu những cơn đau dưới rốn cứ lặp đi lặp lại và có xu hướng ngày càng tăng về cả tần số lẫn mức độ thì rất có khả năng con bạn đã gặp phải một trong những vấn đề sau đây:
1- Rối loạn tiêu hóa
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất bởi không có đứa trẻ nào lại chưa từng bị rối loạn tiêu hóa. Biểu hiện của bệnh là cảm giác đau âm ỉ bụng dưới, thỉnh thoảng quặn lên những cơn đau nổi bật. Đi kèm theo đó là các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu và đặc trưng nhất là tiêu chảy (có trẻ bị táo bón). Đối với trường hợp trẻ bị táo bón thì phân sẽ bị lưu lại trong trực tràng mà không đẩy ra ngoài được, gây nên cảm giác đau tức ở vùng bụng dưới.
Bạn có thể hỏi con về cảm giác đau và xác định bé bị đau bụng dưới rốn có phải là do bị rối loạn tiêu hóa hay không. Thời gian tồn tại của bệnh này chỉ nằm trong khoảng từ 1-4 ngày, cha mẹ có thể mua men vi sinh cho trẻ uống và nhớ cho trẻ uống nhiều nước. Nhưng nếu thấy con đau bụng vượt qua mức thời gian này, hãy nghĩ đến chuyện đưa đến bác sĩ để tìm ra nguyên nhân.
2- Ngộ độc thức ăn
Nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn ở trẻ có thể là do vi sinh vật hoặc do hóa chất. Khi trẻ bị ngộ độc thức ăn, trẻ sẽ biểu hiện ra bên ngoài bởi những triệu chứng thường thấy như: sốt (từ 38-39 độ), đau quặn bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, đầy hơi, chướng bụng, nôn ói. Khác với rối loạn tiêu hóa, cha mẹ không nên tự điều trị tại nhà cho con mà phải đưa bé đi bệnh viện kịp thời. Thực tế đã xác nhận nhiều trường hợp trẻ bị suy nhược cơ thể dẫn đến suy nội tạng do không được điều trị ngộ độc thực phẩm.
Song song với việc tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, bạn hãy tích cực bù lượng nước đã mất cho con bằng cách bổ sung nước, có thể cho trẻ dùng thêm nước biển khô oresol hoặc viên Hydrite. Trong thời gian điều trị, nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu như cháo, súp để ruột già sớm khôi phục lại chức năng. Đối với bé vẫn còn đang bú mẹ thì cần tăng lượng sữa hàng ngày để bù đắp lại năng lượng thất thoát. Thông thường, các ca điều trị ngộ độc thực phẩm đều có thể về sau 1 ngày lưu lại bệnh viện để các bác sĩ theo dõi.
3- Chứng lồng ruột ở trẻ
Khi thấy trẻ có biểu hiện đau bụng dưới một cách quằn quại, đau đến vã mồ hôi, thường xuyên khóc ré lên, những cơn đau thường xuất hiện dữ dội hơn sau khi trẻ ăn xong và sau khi trẻ vừa vận động xong…thì khả năng cao đó là những biểu hiện của bệnh lồng ruột ở trẻ. Đây là một bệnh lí cấp tính xảy ra phổ biến ở trẻ bụ bẫm, tỷ lệ bé trai mắc bệnh nhiều hơn so với bé gái. Khoảng thời gian dễ bị lồng ruột nhất là khi trẻ được 6-9 tháng tuổi. Và bạn cần biết, đây là một bệnh nguy hiểm.
Việc duy nhất và tốt nhất mà bậc cha mẹ làm lúc này là đưa bé đến bệnh viện uy tín có khoa Nhi để thăm khám ngay lập tức. Tại đây, các bác sĩ sẽ có những cách ổn định lại ruột cho bé. Bệnh để lâu không được điều trị sẽ có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng và khó khắc phục.
4- Đau bụng do giun sán ở trẻ
Kết quả từ các nghiên cứu khoa học đã cho thấy, 80% trẻ em từ 1-3 tuổi đều bị giun sán xâm nhập vài lần, và tỷ lệ trẻ em bị giun sán kí sinh cao hơn người trưởng thành từ 25-25%. Lý giải cho việc này, bác sĩ Thoa cho biết: Trẻ em thường có thói quen đưa bất cứ vật gì chúng nắm được vào miệng để nếm thử, chính việc này đã tạo điều kiện cho trứng giun sán tồn tại ngoài môi trường di chuyển vào trong cơ thể trẻ. Khi bị nhiễm giun sán, trẻ sẽ bị đau bụng ở vùng dưới rốn khá thường xuyên. Cơn đau đi vòng quanh rốn và đau quặn từng cơn, trẻ cũng sẽ bị nôn ói.
Trong trường hợp bị nhiễm giun sán này, những cơn đau bụng ở trẻ sẽ dữ dội hơn khi về chiều. Kèm theo đó là cảm giác ngứa ngáy ở bên trong hậu môn và đi ngoài ra một ít giun sán (thường là giun kim). Trẻ bị nhiễm giun sán sẽ giảm số lần đại tiện, chỉ đi ra phân lỏng hoặc đứt khúc. Phụ huynh tuyệt đối không được xem thường căn bệnh này, vì hậu quả của bệnh sẽ vô cùng nghiêm trọng nếu lượng giun sinh sôi ngày một nhiều. Trẻ sẽ bị còi cọc, da dẻ xanh xao, bụng ỏng, đau bụng cấp thường xuyên, tắc ruột, không hấp thu được chất dinh dưỡng, cảm mạo v.v…
5- Sỏi đường tiết niệu (trường hợp hiếm)
Vùng bụng dưới rốn cũng là vị trí của một số cơ quan của hệ bài tiết. Tuy nhiên, số lượng trẻ bị sỏi đường tiết niệu khá ít. Khi đường tiết niệu có sự xuất hiện của sỏi, trẻ sẽ biểu hiện ra bên ngoài bởi những dấu hiệu như: sốt cao kéo dài, quấy khóc nhiều, đau bụng âm ỉ và đôi khi đau nhói lên ở bụng dưới, nôn ói, tiểu buốt, nước tiểu đục. Sỏi tiết niệu là một bệnh nguy hiểm, do đó bậc làm cha mẹ không nên xem thường.
II- Cha mẹ nên làm gì khi trẻ bị đau bụng dưới rốn?
Có một quy tắc mà chúng tôi luôn khuyên những phụ huynh mang trẻ đến khám, đó là: Không được lơ là bất cứ cơn đau nào của con, dù có là cơn đau nhỏ nhất. Bởi vì sao, cơ thể của trẻ vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện nên nếu bị bệnh tật tấn công thì sẽ khiến cho sức khỏe sau này bị ảnh hưởng rất nhiều. Do đó, khi biết được con mình bị đau bụng vùng dưới rốn, cha mẹ hãy chú ý làm theo những việc sau đây:
- Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện có khoa Nhi để có thể giúp bác sĩ mau sớm tìm ra nguyên nhân, từ đó điều trị cho trẻ. Lúc nào cũng vậy, phát hiện bệnh càng sớm thì khả năng phục hồi sẽ cao hơn rất nhiều.
- Khi chưa có chỉ định của bác sĩ, cha mẹ không cho trẻ dùng bất cứ thuốc gì (trừ trường hợp rối loạn tiêu hóa ở trẻ lớn thì có thể dùng men vi sinh). Bởi nếu cho trẻ uống thuốc một thời gian rồi mới đưa đi khám, thì các bác sĩ sẽ khó chẩn đoán chính xác bệnh qua. Hơn nữa, có một số loại thuốc không phù hợp với trẻ, hoặc uống nhầm thuốc do cha mẹ xác định nhầm bệnh.
- Đưa trẻ đi tái khám định kì và uống thuốc theo đơn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý thêm hoặc bớt thuốc.
- Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn, hạn chế vận động mạnh và cung cấp đủ nước, trái cây, rau xanh cho trẻ.
→ Khi trẻ bị đau bụng dưới rốn trong thời gian dài thì rất có khả năng trẻ đã mắc phải một trong những chứng bệnh trên. Làm cha mẹ, bạn hãy có trách nhiệm đối với sức khỏe của con bằng cách giúp bé có được sự điều trị tốt nhất và an toàn nhất. Chúc cho con bạn luôn được khỏe mạnh!
Quốc Nhi.
Những thông tin cần thiết dành cho bạn:
Ngày đăng: 29/09/2021 - Cập nhật lúc: 3:05 PM , 29/09/2021
Con e 5tuoi be an vô la oi kêu dau bung
Cảm ơn Bác sĩ Phạm Thị Thoa (bệnh viện Nhi Đồng 2, Tp.HCM) với những chia sẻ trên