Viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em – (Cha mẹ không nên xem thường)

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em đang có xu hướng tăng mạnh ở mức đáng báo động.

Không chỉ là căn bệnh phổ biến ở người lớn mà viêm loét dạ dày, tá tràng còn là bệnh lý đang gặp phải ở đại đa số trẻ em và để lại rất nhiều di chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, cần phải tìm hiểu về bệnh cũng như cách chữa trị viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em ngay từ sớm để việc điều trị dễ dàng và hiệu quả hơn. Đồng thời giúp ngăn chặn nguy cơ gây tái phát cao ở trẻ.

I. Những điều cần biết về bệnh viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em

Nhiều người lầm tưởng rằng chỉ có người lớn có những thói quen như ăn nhiều thức ăn cay nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ, áp lực, tâm lý căng thẳng thường xuyên mới có nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng. Nhưng thực tế chứng minh, căn bệnh này phổ biến nhất ở trẻ từ 6-12 tuổi, những trẻ có hệ tiêu hóa làm việc kém hiệu quả.

Viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em
Viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em rất phổ biến

a) Các triệu chứng nhận biết viêm loét dạ dày ở trẻ em

Các triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em thường rất khó để xác định cụ thể và thường không biểu hiện các dấu hiệu đặc trưng vì nhận thức thức của trẻ chưa cao. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cũng đừng nên chủ quan khi trẻ thường xuyên kêu đau bụng. Phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ thăm khám tại cơ sở y tế gần nhất để kịp thời kiểm soát được những dấu hiệu bệnh từ ban đầu. Dưới đây là một số cách nhận biết chứng viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ mà phụ huynh nên nắm rõ:

  • Trẻ có biểu hiện đau âm ỉ vùng thượng vị phía bên phải, cơn đau sẽ tăng lên khi trẻ sử dụng thức uống có gas, đồ ăn chua hoặc có gia vị kích thích như ớt, tỏi,…
  • Trẻ biếng ăn, ăn uống không tiêu hóa được, người mệt mỏi, sụt cân, da dẻ xanh xao, kém tập trung, trẻ luôn quấy khóc.
  • Một số trường hợp trẻ còn biểu hiện qua chứng ợ nóng, nấc cụt, nôn trớ,…
  • Ở giai đoạn nghiêm trọng hơn sẽ thấy trẻ nôn ra máu, đi tiêu phân đen hoặc có máu tươi, đi tiêu phân sống,…

b) Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày ở trẻ em

Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em chủ yếu là do vi khuẩn Hp có trong niêm mạc dạ dày hoành hành. Theo con số thống kê ở nước ta, có hơn 33,4% tỷ lệ trẻ nhiễm khuẩn Hp có trong đồ ăn, thức uống và từ nhiều nguồn thâm nhập khác. Bên cạnh đó, cũng có thể do phụ huynh cho trẻ sử dụng nhiều thuốc chống viêm, giảm đau không steroid (NSAIDs) như Diclofenac, Meloxicam, Ibuprofen, Aspirin cũng làm tăng nguy cơ mắc chứng viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ.

Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em
Một số nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em

→ Phụ huynh cần phải xem thêm: Dấu hiệu và cách điều trị đau dạ dày ở trẻ em dứt điểm

II. Cách điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em

Khi phát hiện trẻ mắc chứng viêm loét dạ dày tá tràng, phụ huynh cần cho trẻ điều trị dứt điểm bệnh. Việc điều trị bệnh cần dựa theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa dựa vào mức độ bệnh, nguyên nhân phát bệnh ở trẻ. Trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn H.pylori thì việc điều trị thường kéo dài trong khoảng 7 đến 14 ngày sau đó còn được điều trị thêm với omeprazole để loại bỏ ổ loét nếu cần thiết. Tuy nhiên, cần sử dụng thuốc theo đúng liều lượng, thời gian theo phác đồ mà bác sĩ chuyên khoa đã chỉ định.

– Nhóm thuốc thường được sử dụng nhất đó là: Clarithromycin, Amoxicillin, thuốc ức chế proton H+ (Omeprazole) dạng bơm hoặc tương đương.

– Nhóm lựa chọn thay thế khi điều trị thất bại hoặc bệnh tái phát về sau như: metronidazole, Bismuth subsalicylate, các kháng sinh như amoxicillin, Tetracycline, clarithromycin, ức chế bơm proton H+ (Omeprazole),…

Lưu ý: Kháng sinh tetracyclin chống chỉ định cho trẻ em dưới 8 tuổi.

Với những trường hợp cơn đau bùng phát khiến trẻ khó chịu thì các phụ huynh cũng có thể khắc phục bằng những biện pháp sau đây:

  • Chườm ấm: Tác dụng làm xoa dịu cơn đau và khiến trẻ dễ chịu hơn. Các bậc phụ huynh nên sử dụng túi chườm với nhiệt độ vừa phải để đặt lên bụng trẻ.
  • Massage bụng cho trẻ: Cũng là cách giúp giảm nhanh triệu chứng đau khó chịu, giúp trẻ thoải mái hơn. Bằng cách dùng bàn tay xoa nhẹ nhàng vùng bụng trẻ theo chiều kim đồng hồ.
  • Cho trẻ uống nhiều nước: Khi bị đau dạ dày, đặc biệt là tiêu hóa kém trẻ thường rất dễ bị mất nước. Chính vì vậy, ở cách này có thể giúp bổ sung lượng nước cũng như làm loãng axit bên trong dạ dày và làm giảm nhanh cơn đau. Tuy nhiên, cũng cần phải chú ý là không nên cho trẻ uống nước lạnh mà phải dùng nước ấm.

III. Những điều cần lưu ý khi trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràng

Để ngăn chặn bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng ở trẻ em ngay từ đầu, các bậc phụ huynh cũng nên thận trọng đến một số vấn đề như:

– Đảm bảo khẩu phần ăn của trẻ đủ năng lượng và thành phần dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu và độ tuổi tăng trưởng của trẻ.

– Cân bằng dinh dưỡng hằng ngày cho trẻ bằng một số thực phẩm giúp làm giảm axit dịch vị như bánh mì, mật ong nguyên chất, dầu thực vật, đường, bánh quy, rau củ non, trái cây,…

– Với trẻ em, các thực phẩm được chế biến bằng cách hấp, luộc, nấu chín, hầm nhừ, nghiền nát có thể giúp cho dạ dày dễ tiêu hóa và làm giảm dịch vị được tiết ra một cách tốt nhất.

– Không cho trẻ ăn nhiều thức ăn dai, cứng, thực phẩm được lên men như hành muối, dưa muối và đặc biệt không cho trẻ sử dụng thực phẩm có chứa nhiều gia vị kích thích như dấm ớt, tỏi, tiêu,…

– Chia thức ăn của trẻ thành nhiều bữa nhỏ trong ngày sẽ giúp cho dạ dày của trẻ làm việc hiệu quả hơn. Hạn chế tình trạng cho trẻ ăn no một bữa làm tăng thêm áp lực cho dạ dày.

– Thời gian ăn uống của trẻ cũng phải điều độ, không nên để trẻ ăn quá no hoặc quá đói.

– Hạn chế cho trẻ sử dụng thực phẩm được chế biến nhiều dầu mỡ như gà quay, gà rán, thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh,… Ưu tiên cho trẻ ăn thức ăn mềm như cháo, súp, cơm nát,…

Viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em
Nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp

→ Thông tin liên quan mà bạn đọc nên biết: Trẻ em có bị nhiễm vị khuẩn Hp không?

Chứng viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng vô cùng nguy hiểm như thủng dạ dày, tắc nghẽn thức ăn, xuất huyết dạ dày,… Vì vậy, các bậc phụ huynh đừng nên chủ quan trước những biểu hiện của con mình. Hãy đảm bảo sức khỏe cho trẻ bằng việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Thanh Tâm

Đánh giá bài viết

Ngày đăng: 28/09/2021 - Cập nhật lúc: 11:46 PM , 28/09/2021

Ẩn